Làm sao để viết được một chiếc CV gây được ấn tượng với nhà tuyển dụng trong khi bạn chưa có kinh nghiệm làm việc?

Đây chắc hẳn là một câu hỏi lớn với nhiều người, đặc biệt là các bạn trẻ còn đang loay hoay trên con đường tìm kiếm việc làm. Dù chưa có kinh nghiệm, tuy nhiên, bằng cách tận dụng những kỹ năng, tri thức, sự tự tin cá nhân, bạn hoàn toàn có thể biến chiếc CV trống không thành một chiếc CV chinh phục được các nhà tuyển dụng. Và chúng tớ luôn ở đây để hỗ trợ bạn làm điều đó.
I. Tại sao cần quan tâm đến việc xây dựng CV khi chưa có kinh nghiệm?
Hiện nay, rất nhiều bạn trẻ chủ động tìm kiếm việc làm khi còn ngồi trên ghế nhà trường để học hỏi kinh nghiệm thực tiễn cũng như tích lũy kiến thức chuyên môn bởi vậy sự cạnh tranh trong cơ hội việc làm không hề nhỏ.
Hầu hết, mọi vị trí công việc đều yêu cầu nộp CV trước khi phỏng vấn, do đó nếu bạn đã có kinh nghiệm làm việc thì đây là một lợi thế. Tuy nhiên cũng đừng lo lắng nếu bạn chưa có kinh nghiệm thực tiễn, bởi bạn hoàn toàn có thể đưa ra cho nhà tuyển dụng thấy những kỹ năng chuyên môn, trình độ học vấn cũng như những ưu điểm riêng biệt của bản thân.
II. Nên viết gì trong CV khi chưa có kinh nghiệm làm việc?
1. Chú trọng vào thành tích giải thưởng, và các hoạt động ngoại khóa
Về học vấn, việc bạn học ở một ngôi trường danh giá dĩ nhiên cũng là một điểm cộng. Khi chưa có kinh nghiệm, điểm số chính là thước đo năng lực của sinh viên, nó nói lên khả năng của bạn đến đâu, tư duy và trí tuệ của bạn như thế nào. Vậy nên hãy đưa những con số đáng nể để phần nào ghi điểm trong mắt nhà tuyển dụng.
Bên cạnh điểm số, những giải thưởng bạn tích lũy, những hoạt động bạn tham gia trong suốt quá trình học tập cũng sẽ góp phần giúp bạn chinh phục được các nhà tuyển dụng khó tính. Bạn hãy mạnh dạn đưa ra những cuộc thi và thành tích bạn đạt được, và bạn phải nhớ rằng bạn có thể thiếu kỹ năng làm việc nhưng đừng bao giờ nghèo nàn kỹ năng xã hội trong mắt nhà tuyển dụng.
Điểm cần lưu ý, khi xem CV, các nhà tuyển dụng muốn biết bạn đã có kiến thức gì liên quan đến vị trí ứng tuyển hay chưa. Do đó, bạn nên “khoe ra’’ những trải nghiệm, những hoạt động cũng như thành tích bạn đã đạt được khi đảm nhiệm những vai trò tương tự hoặc có liên quan tới vị trí ứng tuyển hiện tại. Nói một cách dễ hiểu như khi bạn ứng tuyển vào vị trí tổ chức sự kiện, bạn “phô ra” rất nhiều kinh nghiệm về chạy sự kiện, quản lý, lên kế hoạch cho sự kiện,…
Khi nhìn CV, nhà tuyển dụng sẽ phần nào ấn tượng dù bạn chưa có kinh nghiệm làm việc nhưng bạn đã có nhiều trải nghiệm thực tiễn và họ tin rằng với những trải nghiệm đó bạn có thể hoàn thành tốt vị trí và công việc được giao.
2. Tập trung vào kỹ năng của bản thân
Khi chưa có kinh nghiệm, tập trung khai thác những kỹ năng liên quan tới vị trí ứng tuyển sẽ giúp bạn “cứu vãn’’ tình thế này. Bởi trong thời đại 4.0 như hiện nay, nhà tuyển dụng không chỉ đề cao học vấn, chuyên môn mà những kỹ năng mềm cũng vô cùng được chú trọng như: kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng thuyết trình trước đám đông,…
Những kỹ năng này nếu có sẵn thì quả là may mắn, nhưng nếu không có, chúng ta hoàn toàn có thể học hỏi được. Những kỹ năng mềm là vô cùng cần thiết trong môi trường làm việc hiện đại, vì sao? Bởi lẽ chúng ta không chỉ ngồi một chỗ và làm việc một cách độc lập mà ta cần giao tiếp, cần trao đổi, cần kết hợp và hỗ trợ lẫn nhau để đạt được kết quả tốt nhất.
Ngoài ra, những kỹ năng mềm giúp chúng ta khéo léo hơn trong việc xử lý những tình huống khó xử, nhanh nhạy hơn trong việc đưa ra kế hoạch, xoay chuyển tình thế khi gặp sự cố. Chính vì vậy, bản thân chúng ta hãy chủ động và cố gắng học hỏi thêm các kỹ năng mềm cần thiết, rất có thể nó sẽ “cứu’’ bạn trong tình huống nào đó.
3. Đưa ra chứng chỉ liên quan
Điều này cho thấy dù bạn chưa đi làm nhưng bạn luôn sẵn sàng cho công việc bằng cách học hỏi, trau dồi bản thân để phát triển tốt hơn từng ngày. Đó có thể là những chứng chỉ chuyên môn, chứng chỉ quốc tế liên quan tới vị trí ứng tuyển.
Những chứng chỉ đó sẽ trở thành bằng chứng thuyết phục cho những kỹ năng, những điểm mạnh mà bạn có, điều này sẽ hiệu quả hơn nhiều so với việc bạn chỉ nêu một cách chung chung mà không có gì chứng minh được.
Hiện nay, việc học và lấy chứng chỉ không còn quá khó khăn, có rất nhiều website cung cấp những khóa học lấy chứng chỉ với học phí rất rẻ thậm chí là miễn phí.
Những nền tảng như Linkedln và Google đều có cung cấp những khóa học học thuật lấy chứng chỉ miễn phí, thời gian học chỉ từ vài giờ đồng hồ như: Project manager skill, Social media marketing,…. Một khi đã sở hữu những chứng chỉ học thuật “xịn sò’’ đó, bạn sẽ tạo thiện cảm với nhà tuyển dụng đồng thời cạnh tranh hơn rất nhiều so với những ứng viên khác trong quá trình đi xin việc.
III. Cần lưu ý điều gì khi viết CV?
1. Sử dụng ngôn ngữ chuyên nghiệp
Việc ứng tuyển là hoàn toàn nghiêm túc, bởi vậy trong CV tuyệt đối tránh sử dụng tiếng lóng, ngôn ngữ giới trẻ hay những từ ngữ quá đời thường làm giảm tính lịch sự và chuyên nghiệp của ứng viên.
Quan trọng không kém, bạn cần viết CV ngắn gọn, dễ hiểu tránh rườm rà, rắc rối, điều này sẽ thể hiện tư duy mạch lạc, rõ ràng, logic.
Đây đều là những chi tiết vô cùng nhỏ nhưng nó có thể giúp bạn tạo được hình ảnh chỉn chu, chuyên nghiệp ghi điểm trong mắt nhà tuyển dụng.
2. Không nói dối, bịa đặt thông tin
Các nhà tuyển dụng là người có nhiều kinh nghiệm trong nghề, bởi vậy bạn đừng nghĩ có thể “múa rìu qua mắt thợ’’ bằng việc “vẽ’’ ra những điều không có thật để làm đẹp CV. Tất nhiên với kinh nghiệm dày dặn, họ hoàn toàn biết bạn đang nói dối và theo lẽ tất nhiên, họ sẽ không để một kẻ nói dối đặt chân vào công ty họ ngay cả bạn là cực kỳ phù hợp với vị trí đó.
Kết luận
Trên đây là một số cách giúp bạn phần nào làm đẹp CV và ghi điểm trong mắt nhà tuyển dụng. Hy vọng những thông tin này sẽ giúp bạn tạo nên một chiếc CV ấn tượng, đồng hành cùng bạn trên hành trình tiến tới vị trí công việc mơ ước.
Bài viết liên quan: