Hình xăm vốn cũng là một mục đích làm đẹp của con người, nhưng hình xăm không như những thứ trang phục, trang sức, phụ kiện mang lại cho người ta cảm giác lộng lẫy, bóng bẩy ngoài kia. Hình xăm là thứ in trên cơ thể, không phải muốn tháo xuống là tháo được dễ dàng, và ở thời đại ngày nay, hình xăm đôi khi vẫn mang lại cảm giác lo lắng bởi sự rèm pha, đánh giá của “bàn dân thiên hạ”.

Nguồn gốc của hình xăm
Hình xăm không phải là thú vui mới mẻ mà nó đã xuất hiện từ trước đó rất lâu. Người ta phát hiện “người băng” Otzi ở vùng núi Tyrol gần biên giới nước Áo và Ý trong tình trạng gần như nguyên vẹn sau hơn 5300 năm vì được bảo quản trong điều kiện khí hậu băng giá. Điểm đặc biệt là trên cơ thể của Otzi có hơn 50 họa tiết hình xăm. Những hình xăm này được tạo ra bằng cách cắt trực tiếp trên da và được chà với than củi. Dù vậy, đây cũng là bằng chứng cho thấy xăm hình đã được khai sinh từ sớm, có tuổi đời tương đương với lịch sử nền văn minh nhân loại.
Hình xăm ngày nay bắt nguồn từ việc phát hiện ra bộ tộc Samoa trên các đảo của Thái Bình Dương vào cuối thế kỉ 18. Họ mang trên mình đầy những nét vẽ độc đáo, điều này đã theo chân những người thủy thủ trở về châu Âu và trở thành một hình thức làm đẹp trên cơ thể, một bộ môn nghệ thuật phổ biến như bây giờ trên thế giới.

Trong văn hóa của người Việt, từ thế kỉ 13, người ta đã xăm lên mình hình thuồng luồng, hình rắn, hình rồng để khi xuống nước đánh bắt cá sẽ không bị thủy quái làm hại. Còn có nhiều câu chuyện kể rằng, để thể hiện tinh thần yêu nước, ý chí quyết tâm đánh đuổi quân xâm lược, nhiều triều đại đã cho xăm lên người quan lại, binh lính những khẩu hiệu riêng. Dưới thời nhà Trần, binh lính đã đồng loạt khắc lên tay hai chữ “Sát Thát” như sự đồng lòng đánh tan quân Nguyên Mông.
Tiếng xấu của hình xăm đến từ đâu?
Chẳng phải tự nhiên mà người ta lại dành cho những người có hình xăm trên cơ thể những ánh nhìn “khác”. Những vết mực trên cơ thể không phải lúc nào cũng mang một ý nghĩa tích cực, đẹp đẽ.
Vào thời cổ đại ở Trung Quốc, người ta khắc chữ lên trán những kẻ phạm tội để trừng phạt. Điều này cũng xảy ra trong văn hóa Hy Lạp, khi người ta coi việc xăm lên người để trừng trị những kẻ bất trị trong xã hội, đánh dấu quyền sở hữu đối với nô lệ, đánh dấu tù bình để họ không thể trốn thoát được.
Quan niệm về những hành vi gây tổn hại đến sự nguyên vẹn của cơ thể là mang tội cũng là nhân tố khiến những kẻ xăm hình bị kì thị. Theo như quan niệm của Khổng giáo – một trong những tư tưởng lớn tại Trung Quốc, có ảnh hưởng không ít tới văn hóa Á Đông cho rằng “Cha mẹ ban cho chúng ta thân thể nguyên vẹn, quý báu, đẹp đẽ, hà cớ gì phải trạm trổ những thứ đó, làm vấy bẩn con người, trái với đạo hiếu?”. Và quan niệm đó vẫn còn tồn tại cho đến tận bây giờ ở nhiều thế hệ người Á Đông.
Dành cho những hình xăm ánh nhìn thiện cảm hơn

Trong văn hóa của Việt Nam những thập kỉ trước, người ta luôn dành cho những hình xăm cái nhìn không chút thiện cảm. Nhiều năm trở lại đây, những “lời qua tiếng lại” về việc xăm hình không còn nhiều bởi sự giao thoa văn hóa, sự tôn vinh chủ nghĩa tự do của gen Y và gen Z. Những hình xăm hình như một cách để làm đẹp, để thể hiện phong cách, cá tính riêng của mỗi cá nhân. Thật ra thì, xăm hình vốn không có gì là xấu. Chẳng phải chúng ta vẫn được dạy “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn” vậy thì có lí do gì để đánh giá không tốt về nhân cách của một người qua việc người đó có hình xăm?
Chúng ta đang sống trong giai đoạn chuyển tiếp của văn hóa, giao đoạn giao thoa giữa “thời bố mẹ” và “thời chúng ta” thế nên, hãy cho nhau cơ hội để cảm nhận, lắng nghe, để cái mới, cái cũ có thể gặp nhau và hòa làm một, vì biết đâu đằng sau nó là cả một câu chuyện của ai đó.
Kết
Cơ thể này là của chúng ta, do chúng ta làm chủ, quyết định tất cả. Xăm hình cũng vậy, cũng vì chúng ta thích, những định kiến ngoài kia không thể ảnh hưởng tới quyết định của bản thân. Bởi ngay cả khi người ta đã thoải mái và coi việc xăm hình là nghệ thuật, là cách để thể hiện bản thân thì với những người không thích, họ cũng vẫn không đồng tình cho quyết định “vẩy mực” lên người.