Đây không chỉ là tên quyển sách của Cal Newport mà còn là lời nhắn nhủ tới các bạn tân sinh viên – những người được coi là tấm chiếu mới trong môi trường đại học.

Nếu như học cấp 3, các bạn được hướng dẫn chi tiết từ cách giải, cách trình bày, rồi được thúc giục làm bài,…Thì khi vào đại học, mọi thứ sẽ thay đổi hoàn toàn. Thầy cô sẽ chỉ giảng bài rồi giao bài tập để bạn tự mày mò tìm hiểu, nếu không biết thì phải tự tìm kiếm trên sách báo hay trên mạng internet, hoặc cần liên hệ trực tiếp thầy cô để hỏi. Và mọi thứ đều là tự giác, không có ai thúc giục hay ép buộc các bạn. Điều đó phần nào khiến bạn cảm thấy mọi thứ thật khó khăn khi đã quen với cách học tập tại môi trường cũ.
Có phải khi vừa vào năm nhất là bạn đã được nghe: “học đại học dễ lắm”, “chỉ cần chăm chỉ lúc ôn thi”,… Và thời gian trôi qua, điểm của các bạn có xu hướng đi theo một chiều giảm dần phải không? Tuy nhiên, cũng có rất nhiều sinh viên học rất giỏi, đạt được học bổng và thậm chí là nhận được học bổng du học? Họ làm như thế nào để thích nghi với môi trường mới và cách học tập mới nhỉ? Hãy cùng iBNA tìm hiểu nhé!
1. Xác định hướng đi, mục tiêu ngay từ đầu
Khi làm bất cứ việc gì, chúng ta đều cần xác định một thái độ rõ ràng, đúng đắn và việc học cũng vậy. Cần hiểu rõ, mình học để làm gì, học như thế nào, mục tiêu cho việc học đó là gì… Nên cần có động lực rõ ràng để thúc ép bản thân mỗi khi chán nản và không muốn nỗ lực nữa. Khi học nên có thái độ nghiêm túc, kiên trì.
Title: Hãy tự đặt mục tiêu rõ ràng cho mọi việc bạn làm nhé.
Có nhiều sinh viên coi việc học đại học như một chuyến du lịch khám thành phố mới chứ không phải việc học để trang bị cho tương lai. Cũng có rất nhiều sinh viên đến lớp chỉ để điểm danh, hay để tán gẫu với bạn bè. Điều này không chỉ làm bạn phí phạm thời gian, kiến thức mà cả tiền bạc.
2. Đi học đầy đủ
Bạn nên đi học đầy đủ nhất có thể, mặc dù điểm chuyên cần chỉ đóng góp 10% vào điểm số cuối kỳ của bạn tuy nhiên việc đi học đầy đủ sẽ giúp bạn không bị lỡ mất những kiến thức quan trọng hay các thông báo mà giảng viên giảng nêu trên lớp hoặc những yêu cầu mà giảng viên giao cho bạn phải hoàn thành. Tất nhiên, là sinh viên, bạn cũng cần dành thời gian cho các hoạt động xã hội, làm thêm, học thêm ngoại ngữ,… thế nhưng hãy biết cách sắp xếp thời gian hợp lý để mọi thứ được cân bằng nha!
Title: Đi học chuyên cần thì không phải sợ bỏ lỡ kiến thức quan trọng
3. Chọn vị trí ngồi phù hợp
Có phải khi đến lớp bạn thường tránh ngồi bàn đầu? Bạn cảm thấy ngại ngùng sợ bị giảng viên hỏi bài và chọn phương án an toàn là ngồi bàn cuối? Tuy nhiên ngồi bàn cuối bạn sẽ không thể tập trung được, vì hầu hết ta chọn ngồi bàn cuối là để dễ dàng làm việc riêng hơn mà không bị giảng viên bắt gặp,… Nhưng khi ngồi cuối bạn có thể sẽ không nghe được giảng viên nói gì và thậm chí là không thể nhìn được bảng hay slide thuyết trình. Vì vậy hãy cố gắng chọn vị trí ngồi mà bạn cảm thấy phù hợp nhất để có thể nắm bắt được kiến thức bài giảng và thông tin trên lớp nhé.
4. Hãy mạnh dạn hỏi và nêu lên quan điểm của mình
Nếu có cơ hội, bạn hãy cố gắng xung phong phát biểu và lên bảng làm bài tập. Mỗi lần tự tin phát biểu có thể bạn sẽ nhận được điểm cộng từ giảng viên chẳng hạn. Những điểm cộng này tuy không lớn nhưng cũng sẽ phần nào giúp bạn nắm rõ kiến thức hơn hay chỉ để bạn cảm thấy tự tin hơn trước đám đông. Không những vậy, mạnh dạn hỏi và nêu lên ý kiến, quan điểm của mình sẽ giúp bạn hiểu rõ vấn đề hơn, có thể hiểu và thuộc bài ngay tại lớp.
Title: Tự tin đưa ra quan điểm cá nhân
5. Dành thời gian cho việc học tại nhà
Bạn nên dành thời gian tự học ở nhà. Lên đại học, việc học ở nhà không còn vất vả như thời cấp 3 nữa. Mỗi ngày, bạn chỉ cần dành 20-30 phút cho mỗi môn học, để nắm bắt được những gì đã học ngày hôm trước và biết được sẽ học gì vào ngày hôm sau. Và bạn cần biến nó trở thành một thói quen hằng ngày.
Tuy rằng đến lớp sẽ chẳng có ai kiểm tra bài cũ bạn, nhưng việc tự học đều đặn sẽ giúp bạn tiếp thu kiến thức nhanh hơn vì bạn biết bạn đang học phần nào, bài tập ra sao và việc này rất hữu ích trong quá trình ôn thi của bạn đó.
6. Ôn tập kĩ trước khi thi
Học đại học thường có hai bài thi: thi giữa kỳ và thi cuối kỳ. Bạn cần chuẩn bị ôn tập những kiến thức mà giảng viên đã dạy trên lớp và kiến thức được yêu cầu học tại nhà, hãy tóm tắt ra để có thể nắm vững hết tất cả những kiến thức trọng tâm của môn học, điều đó sẽ đem lại lợi ích lớn cho các kỳ thi của bạn.
Còn đối với những môn đại cương bắt buộc phải học thuộc lòng thì thường giảng viên sẽ cho bạn đề cương và giới hạn ôn tập. Bạn cũng sẽ được nghỉ ít nhất 1 tuần để ôn tập trước kỳ thi vì vậy hãy tận dụng thời gian để ôn tập kiến thức thật tốt nhé!
Tổng kết: Hãy áp dụng các điều trên để việc học của bạn trở nên thoải mái và dễ dàng hơn, đừng để việc học khiến bạn cảm thấy áp lực hay mệt mỏi khi phải nhồi nhét lượng kiến thức khổng lồ mỗi mùa thi tới. Cân bằng thời gian để còn tạo nên những kỉ niệm đáng nhớ thời sinh viên với những điều thú vị khác như: đi làm thêm nè, đi tình nguyện nè…